Eric H. Awtry, MD – Gary J. Balady, MD

Người dịch: BS Trần Văn Sĩ- BS Huỳnh Thanh Kiều

  1. Sự khác nhau giữa vận động thể lực và tập thể dục là gì?

Vận động thể lực là sự co của cơ xương tạo thành sự vận động của cơ thể và đòi hỏi năng lượng. Tập thể dục là vận động thể lực có kế hoạch và được thực hiện nhằm đạt mục đích hay để duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể. Sự khỏe mạnh của cơ thể là hình ảnh tiêu biểu để mỗi cá nhân vận động thể lực.

  1. Sự khác nhau giữa thể dục đẳng trường và thể dục đẳng trương là gì?

Co cơ đẳng trương tạo ra vận động chi mà không thay đổi sức căng cơ, trái lại co cơ đẳng trường gây ra sự căng cơ mà không tạo ra cử động chi. Hầu hết vận động thể lực là sự kết hợp cả hai hình thức co cơ trên, mặc dù thường có một hình thức chiếm ưu thế. Thể dục đẳng trương (cũng như là thể dục ngoài trời, thể dục sôi động hay thể dục kéo dài) liên quan đến những cử động lặp lại nhanh chống lại kháng lực thấp và bao gồm những hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi lội và đạp xe. Thể dục đẳng trường (như thể dục kháng lực hay luyện tập sức bền) gồm những cử động lặp lại thấp chống lại kháng lực cao và bao gồm những hoạt động như nâng tạ và tập thể hình.

  1. Hiệu quả của luyện tập là gì?

Tập thể dục đẳng trương đều đặn cải thiện khả năng gắng sức, ngược lại tập thể dục kháng lực đều đặn làm tăng sức bền. Những thay đổi này cho phép một người gắng sức ở cường độ cao hơn, trong thời gian dài hơn với tần số tim thấp hơn cho một gắng sức dưới mức tối đa. Đó là hiệu quả tập luyện.

  1. Những thay đổi tim mạch cấp thời nào xảy ra khi tập thể dục?

Tập thể dục đẳng trương gây tăng nhịp tim và thể tích nhát bóp, làm tăng từ bốn đến sáu lần cung lượng tim ở người khỏe mạnh. Sự tăng nhịp tim liên quan đến giảm trương lực phó giao cảm và tăng trương lực giao cảm. Tần số tim tăng dần trong lúc gắng sức đến mức tối đa, có thể dự đoán bằng công thức sau:

Tần số tim dự đoán tối đa = 220 – tuổi

Thể tích nhát bóp tăng chừng 20% đến 50%, là kết quả của tăng lượng máu tĩnh mạch trở về do co cơ và sự làm trống thất trái nhiều hơn do tăng co bóp của cơ tim và giảm kháng lực mạch ngoại biên do dãn mạch khi cơ gắng sức. Những giường mạch máu khác ngoài tim, não, cơ gắng sức có hiện tượng co mạch trong lúc gắng sức. Điều này, kết hợp với tăng cung lượng tim, làm tăng huyết áp tâm thu. Huyết áp tâm trương không đổi hay giảm nhẹ. Tập thể dục đẳng trường gây tăng cung lượng tim trung bình, phần lớn là do tăng nhịp tim. Cơ co thắt gây tăng kháng lực mạch ngoại biên và có thể làm tăng cả huyết áp tâm thu và tâm trương.

  1. Những thay đổi tim mạch lâu dài nào xảy ra khi tập thể dục?

Tăng cung lượng tim khi tập thể dục đẳng trương tạo ra một tải thể tích dẫn đến dãn và dày nhẹ thất trái. Co mạch và tăng hậu tải trong thể dục đẳng trường tạo ra một tải áp lực dẫn đến phì đại thất mà không dãn.

  1. Cường độ gắng sức được định nghĩa như thế nào?

Cường độ gắng sức được định nghĩa là lượng năng lượng đòi hỏi để thực hiện hoạt động thể lực trong đơn vị thời gian. Giá trị này có thể được đo trực tiếp bằng phân tích khí hô hấp để định lượng oxy lấy vào trong lúc gắng sức hoặc có thể được ước lượng bằng phương trình hồi qui chuẩn để ước tính năng lượng tiêu thụ ở mỗi mức gắng sức. Cường độ gắng sức cũng có thể được trình bày dưới dạng nhu cầu oxy lúc nghỉ (tương đương chuyển hóa [METs]), một MET bằng lượng oxy tiêu thụ của một người thức, lúc nghỉ và tương đương với 3.5 ml O2/kg cân nặng/phút. Gắng sức nhẹ bao gồm những hoạt động đòi hỏi ít hơn 3 METs, gắng sức trung bình gồm những hoạt động từ 3 đến 6 METs, và gắng sức mạnh gồm những hoạt động đòi hỏi trên 6 METs.

  1. Tập thể dục bao nhiêu là đủ để duy trì sự tim mạch khỏe mạnh?

Những hướng dẫn hiện tại của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (AHA) và trường Đại học Y khoa Thể Thao Hoa Kỳ (ACSM) khuyến cáo tất cả những người lớn khỏe mạnh nên tập thể dục ngoài trời cường độ trung bình (ví dụ: đi bộ nhanh) ít nhất 30 phút, tối thiểu 5 ngày trong tuần hoặc tập thể dục ngoài trời cường độ mạnh (ví dụ: chạy bộ) ít nhất 20 phút, tối thiểu 3 ngày trong tuần. Ngoài ra, nên tập thể dục kháng lực ít nhất 2 ngày trong tuần. Những người muốn giảm cân hoặc cải thiện sự vừa vặn cần tập thể dục nhiều hơn. Quan trọng là tập thể dục không cần tập hết trong một lúc; có thể cộng dồn mỗi khoảng tập 10 hay 15 phút trong suốt cả ngày và tính là kết quả tập thể dục hằng ngày. 

  1. Tác động của thể dục trên các yếu tố nguy cơ tim mạch như thế nào?

Tập thể dục có những tác động có lợi trên cao huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, và béo phì. Ngoài ra, thể dục còn có lợi cho chức năng nội mạc, huyết khối, viêm và trương lực thần kinh tự chủ.

 

Bảng 48-1: TÁC ĐỘNG CÓ LỢI CỦA TẬP THỂ DỤC KÉO DÀI TRÊN NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH

Yếu tố 

Hiệu quả của thể dục

Tăng huyết áp                          

 

 

Đái tháo đường

 

 

Tăng mỡ máu

 

Béo phì

 

 

Huyết khối

 

Chức năng nội mạc

 

Trương lực thần kinh tự chủ

 

Viêm

Giảm nhẹ cả HA tâm thu (khoảng 4 mmHg) và HA tâm trương (khoảng 3 mmHg)

 

↑nhạy cảm insulin, ↓ tạo glucose ở gan, ưu tiên sử dụng glucose hơn acid béo bởi cơ khi gắng sức.

 

↓ đáng kể TG, ↑ nhẹ HDL, thay đổi tối thiểu LDL.

 

Giảm cân nhẹ (2-3 kg), ↓ mỡ trong cơ thể để duy trì giảm cân

 

↓ fibrinogen, ↓ hoạt hóa tiểu cầu

 

Cải thiện dãn mạch, có thể qua tăng tổng hợp NO

 

↑ trương lực phó giao cảm, ↓ trương lực giao cảm

 

↓ chất đánh dấu viêm (CRP, TNF-α, IL-6)

 

CRP, C-reactive protein; HDL, high-density lipoprotein, IL, interleukin;LDL, low-density lipoprotein, NO, nitric oxide; TG, triglycerides, TNF, tumor necrosis factor, HA: huyết áp.

 

  1. Thể dục kéo dài và thể dục kháng lực có lợi ích giống nhau không?

Luyện tập kéo dài và luyện tập kháng lực có một số tác động tương tự nhau, và bổ sung cho nhau. Cả hai đều cải thiện sự đề kháng insulin, độ dày của khoáng xương, thể hình. Thể dục kéo dài cải thiện khả năng gắng sức tối đa, trong khi thể dục kháng lực cải thiện sức bền của cơ. Tập thể dục kéo dài làm tiêu tốn một lượng lớn năng lượng trong lúc gắng sức, ngược lại thể dục kháng lực làm tăng sự tiêu thụ năng lượng lúc nghỉ do tăng khối lượng cơ.

  1. Ảnh hưởng của tập thể dục trên tử vong ra sao?

Những nghiên cứu quan sát cho thấy mối liên quan tuyến tính ngược giữa mức độ vận động thể lực và tử vong do mọi nguyên nhân. Điều này đúng ở những người khỏe mạnh và những người có bệnh mạn tính như tiểu đường và bệnh tim mạch. Một người làm theo đúng khuyến cáo về tập thể dục hiện hành có thể được lợi giảm từ 30% đến 50% tử vong do mọi nguyên nhân, khi so sánh với những người  không vận động; tuy nhiên, lợi ích này chưa được chứng minh trong những thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đủ mạnh. Ngoài ra, khả năng gắng sức (tính bằng METs) là yếu tố tiên đoán nguy cơ tử vong mạnh  ở những bệnh nhân có hay không có bệnh tim mạch. Khả năng gắng sức càng lớn thì đời sống càng dài.

  1. Có khi nào quá trễ mà không được hưởng lợi ích từ việc tập thể dục?

Không có giới hạn về tuổi tác mà sau tuổi đó bệnh nhân không được hưởng lợi từ tập thể dục, và dữ liệu hiện có cho thấy tập thể dục liên quan đến giảm tử vong ngay cả trên những người cao tuổi. Ngoài ra, những người không vận động nhưng sau đó chuyển sang có vận động thể lực cũng giảm được nguy cơ các biến cố tim mạch và giảm tử vong so với những người vẫn tiếp tục không vận động. Tập thể dục làm chậm đi, nhưng không ngăn được, khả năng gắng sức giảm dần theo tuổi, tuy nhiên, nó làm tăng khả năng gắng sức tối đa của một người ở bất kỳ tuổi nào. Quan trọng hơn nữa, tập thể dục lúc trẻ nhưng không duy trì suốt thời kỳ trưởng thành cũng không cải thiện được sự sống còn lâu dài.

  1. Tập thể dục có an toàn cho bệnh nhân có bệnh mạch vành không?

Có. Tập thể dục không những an toàn cho bệnh nhân có bệnh mạch vành mà còn đem lại nhiều lợi ích. Nhiều phân tích gộp cho thấy bệnh nhân bệnh mạch vành tham gia vào chương trình phục hồi tim mạch giảm 20% nguy cơ tử vong và 25% nguy cơ tử vong tim mạch so với những người không tham gia chương trình luyện tập. Hơn nữa, bệnh nhân luyện tập thể dục còn cải thiện những yếu tố nguy cơ tim mạch khác, ít đau ngực hơn, ít thiếu máu cục bộ cơ tim hơn, tăng khả năng gắng sức và có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.

  1. Bao lâu sau nhồi máu cơ tim bệnh nhân có thể bắt đầu tham gia chương trình tập thể dục?

Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim ổn định về mặt lâm sàng có thể bắt đầu chương trình thể dục, là một phần của phục hồi tim mạch cho bệnh nhân nội trú trong vòng 1 đến 2 ngày sau nhồi máu cơ tim. Khởi đầu có thể bị hạn chế với những bài tập trong phạm vi hoạt động, nhưng sau đó sẽ tăng nhanh đến đi bộ có trợ giúp. Những hoạt động được tăng dần để hầu hết bệnh nhân có thể tự làm được những công việc trong sinh hoạt hằng ngày khi xuất viện. Theo hướng dẫn hiện nay của AHA/ACC đề nghị giới thiệu tất cả những bệnh nhân ổn định sau nhồi máu cơ tim tham gia chương trình phục hồi tim mạch ngoại trú chính quy. Điều này đặc biệt đúng cho những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch và những bệnh nhân nguy cơ cao hoặc trung bình (ví dụ: bệnh nhân có bệnh mạch vành còn chưa can thiệp, bệnh nhân có chức năng tâm thu thất trái giảm) mà một chương trình tập luyện có giám sát là phù hợp cho những bệnh nhân này. Bệnh nhân ổn định thường có thể tham gia vào những chương trình này 2-3 tuần sau nhồi máu cơ tim.

  1. Tập thể dục có an toàn cho bệnh nhân suy tim không?

Có, ở bệnh nhân suy tim còn bù và không sung huyết. Ảnh hưởng huyết động của thể dục đẳng trương (tăng thể tích nhát bóp, giảm kháng lực mạch tâm thu [SVR]) có lợi trên những bệnh nhân có chức năng tâm thu thất trái giảm, và những dữ liệu gần đây cho thấy luyện tập thể dục là an toàn. Mặc dù trước đây tránh thể dục đẳng trường ở bệnh nhân suy tim nhưng dữ liệu gần đây cho thấy luyện tập kháng lực mức độ nhẹ đến trung bình cũng dung nạp tốt ở bệnh nhân suy tim và có thể mang lại lợi ích tương tự như ở những người khỏe mạnh.

  1. Kê đơn thể dục là gì?

Kê đơn thể dục là một chế độ tập luyện được khuyến cáo trên từng bệnh nhân cụ thể, dựa vào khả năng thể lực của bệnh nhân, tình trạng tim và các bệnh nội khoa đi kèm. Kê đơn thể dục bao gồm 4 yếu tố: cường độ, thời lượng, tần số phương thức.

  1. Kê đơn thể dục tiến triển như thế nào sau nhồi máu cơ tim?

Theo chương trình phục hồi tim mạch, bệnh nhân phải trải qua trắc nghiệm gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức, khả năng gây ra thiếu máu cục bộ cơ tim và đề ra cường độ tập vừa an toàn vừa hiệu quả. Cường độ gắng sức được chỉ định dựa vào khoảng tần số tim từ 50% đến 85% tần số tim dự trữ khi làm trắc nghiệm gắng sức, khi đó tần số tim dự trữ là sự chênh lệch giữa tần số tim lúc nghỉ và tần số tim lúc gắng sức tối đa. Đối với bệnh nhân xuất hiện thiếu máu cục bộ cơ tim khi làm trắc nghiệm gắng sức (biểu hiện bằng triệu chứng hay những thay đổi trên điện tâm đồ [ECG]), tần số tim khi tập luyện tối đa nên đặt dưới 10 nhịp/phút so với ngưỡng tần số tim gây ra thiếu máu cục bộ. Khi đó nên tập thể dục với thời lượng tối thiểu là 20 đến 30 phút và tần số là 3 đến 5 ngày một tuần. Phương thức luyện tập kéo dài bao gồm đi bộ/chạy bộ (thảm lăn), chèo thuyền, đạp xe hay leo cầu thang.

Thể dục kháng lực cũng là một phần trong chế độ luyện tập toàn diện và đặc biệt có lợi trên bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân suy tim đã ổn định và bệnh nhân tiểu đường. Thể dục kháng lực được thực hiện với cường độ lặp lại 10 đến 15 lần mỗi đợt (set) đến khi mệt vừa; thời lượng từ 1 đến 3 đợt với gắng sức ở phần trên và phần dưới cơ thể khác biệt từ 8 đến 10, tần số tập từ 2 đến 3 lần/tuần. Phương thức phổ biến của thể dục kháng lực gồm trọng lượng tự do, trọng lượng máy, ròng rọc tường, băng đàn hồi và môn thể dục mềm dẻo.

  1. Có những yếu tố nguy cơ nào cho tim mạch khi tập thể dục?

Nhìn chung, nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch liên quan đến tập thể dục ở người khỏe mạnh là rất thấp, thay đổi phụ thuộc vào tuổi, giới, sự khỏe mạnh của cơ thể và tình trạng bệnh tật. Hầu hết những biến cố có liên quan đến bệnh tim cấu trúc hay bệnh tim bẩm sinh ở những vận động viên trẻ (ví dụ: bệnh cơ tim phì đại, bất thường mạch vành, bệnh loạn sản thất phải) hoặc bệnh mạch vành ở những người lớn tuổi. Tập thể dục với cường độ rất mạnh liên quan đến tăng nhất thời nhồi máu cơ tim và đột tử do tim, đặc biệt ở những người ít vận động có bệnh mạch vành tiềm ẩn.

  1. Có nên sàng lọc bệnh nhân trước khi tham gia vào chương trình luyện tập thể dục không?

Theo AHA khuyến cáo sàng lọc những vận động viên ở trường trung học và đại học bằng cách hỏi tiền sử cá nhân và gia đình, khám thực thể tim mạch trước khi thi đấu thể thao và sau đó là mỗi 2 đến 4 năm. Những test chuyên sâu hơn không cần làm nếu không có những bất thường gợi ý. Nhìn chung, những người khỏe mạnh, không có triệu chứng của bệnh tim mạch có thể tham gia chương trình thể dục có cường độ từ thấp đến vừa mà không cần sàng lọc trước. Tuy nhiên, nên cân nhắc làm trắc nghiệm gắng sức trước khi tập thể dục cho nam trên 45 và nữ trên 55 tuổi không có triệu chứng (đặc biệt ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hay tiểu đường) mà những người này dự định tham gia tập thể dục với cường độ mạnh, ở  những người có bệnh mạch vành và những người có triệu chứng liên quan đến gắng sức gợi ý khả năng có bệnh mạch vành.

  1. Có những chống chỉ định nào khi tham gia chương trình luyện tâp thể dục?

Chống chỉ định tuyệt đối với tập thể dục gồm bệnh động mạch vành không ổn định, suy tim mất bù, hẹp van tim có triệu chứng, tăng huyết áp nặng (huyết áp trên 180/110 mmHg), và rối loạn nhịp không kiểm soát được. Những khuyến cáo chi tiết cho việc xem xét thi đấu thể thao được cung cấp trong hội nghị Bethesda lần thứ 36 về Những khuyến cáo lựa chọn cho những vận động viên thi đấu có bệnh tim mạch.

Tài liệu tham khảo, tài liệu nên đọc và websites:

  1. American Association of Cardiovascular and Pulmonary Rehabilitation: http://www.aacvpr.org
  2. American College of Sports Medicine: http://www.acsm.org
  3. American Heart Association (search Exercise): http://www.americanheart.org
  4. 36th Bethesda Conference: Eligibility Recommendations for Competitive Athletes with Cardiovascular Abnormalities: http://www.csmfoundation.org/36th_Bethesda_Conference__Eligibility_Recommendations_for_Athletes_with_Cardiac_Abnormalities.pdf.
  5. American Diabetes Association: Physical activity/exercise and diabetes, Diabetes Care 29:1433-1438, 2006.
  6. Awtry EA, Balady GJ: Exercise and physical activity. In Topol EJ, editor: Textbook of cardiovascular medicine, ed 3, Philadelphia, 2007, Lippincott Williams and Wilkins.
  7. Balady GJ, Ades PA: Exercise and sports cardiology. In Libby P, Bonow R, Mann D, et al, editors: Braunwald’s heart disease: a textbook of cardiology, ed 8, Philadelphia, 2008, Saunders.
  8. Balady GJ, Williams MA, Ades PA, et al: Core components of cardiac rehabilitation/secondary prevention programs: 2007 update. A statement from the American Heart Association, Circulation, 115:2675-2682, 2007.
  9. Haskell WL, Lee I-M, Pate RP, et al: Physical activity and public health: updated recommendation for adults from the American College of Sports Medicine and the American Heart Association, Circulation 116:1081-1093, 2007.
  10. Maron BJ, Thompson PD, Ackerman MJ, et al: Recommendations and considerations related to preparticipation screening for cardiovascular abnormalities in competitive athletes: 2007 update. A scientific statement from the American Heart Association Council on Nutrition, Physical Activity, and Metabolism, Circulation 115:1643-1655, 2007.
  11. Thompson PD, Franklin BA, Balady GJ, et al: Exercise and acute cardiovascular events: placing the risks into perspective: a scientific statement from the American Heart Association Council on Nutrition, Physical Activity, and Metabolism and the Council on Clinical Cardiology, Circulation 115:2358-2368, 2007.
  12. Thompson PD: Exercise prescription and proscription for patients with coronary artery disease, Circulation 112:2354-2363, 2005.
  13. Whaley MH, Brubaker PH, Otto RM, eds. American College of Sports Medicine guidelines for exercise testing and prescription, ed 7, New York, 2006, Lippincott Williams and Wilkins.
  14. Williams MA, Haskell WL, Ades PA, et al: Resistance exercise in individuals with and without cardiovascular disease: 2007 update. A scientific statement from the American Heart Association Council on Clinical Cardiology and Council on Nutrition, Physical Activity, and Metabolism, Circulation 116:572-584, 2007.
  15. 36th Bethesda Conference: Eligibility recommendations for competitive athletes with cardiovascular abnormalities, J Am Coll Cardiol 45:1312-1375, 2005.5

Để lại bình luận