Arumina Misra, MD, FACC

Người dịch : BS Từ Ngọc Thủy Hiền

  1. Tim mạch hạt nhân là gì?

Tim mạch hạt nhân  là một lĩnh vực tim mạch học bao gồm  hình ảnh phóng xạ hạt nhân tim, dùng các đồng vị phóng xạ để đánh giá tưới máu cơ tim và chức năng cơ tim trong  các ứng dụng lâm sàng khác nhau, như chụp mạch máu phóng xạ hạt nhân, hình ảnh học chuyển hóa và thụ thể, và chụp cắt lớp bức xạ positron (positron emission tomography- PET)

  1. Hình ảnh  tưới máu cơ tim là gì?

Hình ảnh  tưới máu cơ tim là một phương pháp không xâm nhập dùng các đồng vị phóng xạ để đánh giá sự tưới máu, chức năng và sự sống còn của vùng cơ tim. Cơ sở của hình ảnh  tưới máu cơ tim dựa vào kỹ thuật chứng minh sự không đồng nhất của tưới máu khi gắng sức so với lúc nghỉ, từ đó xác định vùng thiếu máu cục bộ.

Trong phần gắng sức của nghiệm pháp, gắng sức bằng thể dục hay bằng thuốc được dùng để tạo ra sự giãn mạch vành. Khi mạch vành có thể giãn và tăng tưới máu gấp bốn lần so với bình thường thì mạch vành đó không bị bệnh hoặc hẹp.

Vì các đồng vị phóng xạ bắt vào cơ tim phụ thuộc vào lưu lượng tưới  máu, những vùng được tưới máu bởi các mạch vành bình thường sẽ tăng lượng tưới máu nhiều nhất và bắt nhiều đồng vị phóng xạ hơn những vùng tưới máu bởi các mạch vành bị hẹp do lưu lượng tưới máu ít hơn. Vì vậy, khi có sự bắt đồng vị phóng xạ ngoại sinh, xem như là có giảm tưới máu.

  1. Định nghĩa giảm tưới máu và phân biệt giảm tưới máu có hồi phục và giảm tưới máu không hồi phục.

Vùng giảm tưới máu là vùng cơ tim giảm bắt đồng vị phóng xạ.

Nếu sự giảm tưới máu xảy ra khi gắng sức và cải thiện hoặc bình thường khi nghỉ, thì gọi là giảm tưới máu có hồi phục (Hình 8-1). Nói chung , giảm tưới máu có hồi phục gợi ý có thiếu máu cục bộ.

Nếu sự giảm tưới máu xảy ra cả khi gắng sức và khi nghỉ, gọi là giảm tưới máu không hồi phục. Nói chung, giảm tưới máu không hồi phục gợi ý là sẹo . Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì giảm tưới máu không hồi phục không phải là sẹo. Thay vào đó, giảm tưới máu không hồi phục có thể là biểu hiện của cơ tim còn sống ngủ đông do hẹp mạn tính. Cơ tim ngủ đông thay đổi chuyển hóa để bảo tồn nặng lượng. Vì vậy, nó có thể biểu hiện  giảm tưới máu và giảm động hoặc vô động.

  1. Các ứng dụng khác của hình ảnh  tưới máu cơ tim là gi?

Hình ảnh tưới máu cơ tim dùng để chẩn đoán bệnh động mạch vành ở những bệnh nhân có nguy cơ trung bình bệnh mạch vành có biểu hiện đau ngực hoặc tương đương.

Hình ảnh tưới máu cơ tim dùng để định vị trí và số lượng vùng tưới máu bất thường hoặc thiếu máu cục bộ ở những bệnh nhân đã biết có bệnh động mạch vành.

Hình ảnh tưới máu cơ tim dùng để đánh giá sự hiện diện của cơ tim ngủ đông ở những vùng giảm tưới máu không hồi phục bằng cách sử dụng các nghiên cứu với thallium lúc nghỉ và tái phân bố.

Hình ảnh tưới máu cơ tim có thể dùng để đánh giá nguy cơ và  quyết định tiên lượng đối với các biến cố tim mạch. Nó có thể dùng như một phương tiện để tiên lượng những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, bao gồm cả những bệnh nhân có hoặc không có ST chênh lên, để xác định những vùng cơ tim nguy cơ xa hơn.

Hình ảnh tưới máu cơ tim có thể dùng trong đánh giá tiền phẫu để xác định nguy cơ tim mạch chu phẫu hoặc hậu phẫu. Các vùng thiếu máu rộng và nặng thì tỷ lệ với nguy cơ của các biến cố tim mạch chu phẫu.

Hình 8-1. Mặt cắt ngang trắc nghiệm hạt nhân gắng sức biểu hiện một tổn thương tưới máu có hồi phục.
Tưới máu cơ tim bình thường xảy ra lúc nghỉ (hình trái), nhưng hình ảnh lúc gắng sức cho thấy có giảm tưới máu cơ tim ở thành trước rộng( hình phải).

  1. Có phải hình ảnh tưới máu cơ tim là xét nghiệm nhạy và chuyên biệt nhất để chẩn đoán bệnh mạch vành?

Các nhà đánh giá  thiếu máu cục bộ cho rằng hình ảnh  tưới máu cơ tim thì nhạy hơn trong việc phát hiện thiếu máu cục bộ vì trong thiếu máu cục bộ, bất thường tưới máu xảy ra trước khi có bất thường vận động thành. Độ nhạy của hình ảnh tưới máu cơ tim thì cao hơn siêu âm tim gắng sức  một chút (85% so với 75%) và độ chuyên biệt thì thấp hơn một chút (79% so với 88%). Điều này tạo nên mức độ chính xác tương đương nhau ở cả hai loại trắc nghiệm gắng sức. Cả hai phương pháp này đều nhạy và chuyên biệt hơn trắc nghiệm thảm lăn hoặc điện tim gắng sức, mặc dù theo hướng dẫn của Hội Tim mạch Hoa Kỳ/ Hội trường môn tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC) , thì điện tim gắng sức là trắc nghiệm đầu tiên để chẩn đoán bệnh mạch vành ở những bệnh nhân có khả năng gắng sức và có ECG tương đối bình thường.

  1. Các chất đánh dấu  tưới máu khác nhau dùng trong  hình ảnh  tưới máu cơ tim:

 Một chất đánh dấu được xem là hiệu quả khi sự phân bố của nó phải tỷ lệ với vùng tưới máu và được hấp thu mạnh bởi  cơ quan cần khảo sát  và thải trừ nhanh từ máu. Hai yếu tố sinh lý quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hấp thu chất đánh dấu của cơ tim là sự khác nhau ở vùng tưới máu và  hấp thu chất đánh dấu của cơ tim . Nói một cách khác, chất đánh dấu được hấp thu nhiều hơn ở những vùng cơ tim có tăng tưới máu và hấp thu ít hơn ở những vùng cơ tim thiếu máu. Điều quan trọng là, vì quá trình hấp thu của cơ tim là quá trình chủ động đối với thallium-201 và quá trình phụ thuộc ti thể đối với technetium-99m, nên sự hấp thu chỉ có thể xảy ra khi tế bào ở vùng đó còn sống. Những thuận tiện và bất lợi của thallium- 201 và technetium-99 được tóm tắt ở bảng 8-1

  • Thallium-201 (Tl-201) là một chất đồng vị kali dùng trong hình ảnh tưới máu cơ tim. Thallium -201 là chất đánh dấu  đầu tiên và tốt nhất trong các chất đánh dấu ngày nay. Sự phân bố Thallium phụ thuộc vào dòng tưới máu và sự hấp thu của cơ tim.Thallium vào cơ tim bằng vận chuyển chủ động qua Na+K+ATPase màng  tế bào. Một trong những đặc tính quan trọng nhất của Tl-201 là sự tái phân bố ở cơ tim. Đặc tính hấp thu năng động của Tl-201 tạo ra khả năng tái phân bố theo thời gian. Có một dòng Tl-201 liên tục theo thời gian từ máu và thải trừ từ cơ tim. Hiện tượng này tạo ra sự bình thường hóa hoặc hồi phục ở những vùng cơ tim thiếu máu cục bộ, và theo thời gian sự cải thiện hoặc bình thường hóa có thể xảy ra ở những vùng cơ tim còn sống nhưng biểu hiện là sẹo ở hình ảnh lúc nghỉ đầu tiên.
  • Technetium-99m (Tc-99m) bao gồm nhiều chất đánh dấu . Vài chất bao gồm Tc-99m sestamibi, Tc-99m teboroxime (hiện tại không còn dùng trong lâm sàng), Tc-99m tetrofosmin, và Tc-99m N-NOET.
  • Tc-99m sestamibi (hoặc MIBI hoặc Cardiolite) là chất thứ ba được phát triển của các isonitriles nhưng là chất đầu tiên của Tc-99m được chấp nhận cho sử dụng thương mại. Nó chứa một ion dương ái nước và một phần kỵ nước giúp cho các tương tác cần thiết với màng tế bào để hấp thu vào cơ tim. Sự hấp thu MIBI phụ thuộc vào độ chênh điện hóa học màng tế bào có nguồn gốc từ ti thể, pH tế bào, và sản phẩm năng lượng bảo tồn. Không như Tl-201, MIBI không có đặc tính tái phân bố mạnh. Nguyên nhân là vì độ thanh thải MIBI thấp mặc dù sự hấp thu xảy ra liên tục trong suốt giai đoạn nghỉ của trắc nghiệm. Vì vậy, có thể có sự cải thiện trong 2-3 giờ giữa gắng sức và nghỉ , nhưng mức độ tái phân bố thì thấp hơn và ít hoàn toàn hơn Tl-201. Tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ mô còn sống mới có thể hấp thu và thải trừ MIBI.
  • Tc-99m tetrofosmin (Myoview)  là chất mới nhất trong các chất Tc-99m được chấp nhận sử dụng trong lâm sàng. Những đặc tính của nó cũng tương tự như MIBI , mặc dù cơ chế hấp thu  của cơ tim như thế nào thì chưa rõ ràng lắm; tuy nhiên, sự hấp thu tùy thuộc vào màng ty thể còn nguyên vẹn (các tế bào còn sống). Các nghiên cứu cho thấy các đặc tính tương tự như MIBI, với độ thải trừ từ gan nhanh hơn cho phép thời gian ghi hình nhanh hơn.
  • Tc-99m furifosmin  tương tự như Tc-99m tetrofosmin nhưng hiện nay không được cho phép sử dụng trong lâm sàng.
  • Tc-99m N-NOET là một chất được phát minh mới hơn có những đặc tính vật lý và hình ảnh tương tự như các chất Tc-99m khác nhưng lại có các đặc tính tái phân bố thuận lợi tương tự như Tl-201

Bảng 8-1 : Tương quan thuận lợi của Tc-99m và Tl-201 trong trắc nghiệm tim mạch hạt nhân gắng sức

 

Những thuận lợi của Tc-99m so với Tl-201

Những thuận lợi của Tl-201 so với Tc-99m

  • Thời gian bán hủy ngắn hơn cho phép sử dụng lượng thuốc lớn hơn, tạo nên số liệu thống kê tốt hơn
  • Ít bị nhiễm xạ hơn
  • Ít  hiệu ứng giảm tín hiệu theo chiều sâu hơn
  • Mức năng lượng cao cho  phép cải thiện độ phân giải với đầu ghi gamma, đặc biệt là trong các nghiên cứu chụp cắt lớp vi tính bức xạ photon đơn cổng
  • Ghi nhận hình ảnh nhanh hơn do đặc tính tái phân bố
  • Tình trạng tái phân bố cho phép đánh giá sự sống còn của cơ tim
  • Ít đắt hơn
  • Ít  hấp thu tại gan và ổ bụng  hơn trong quá trình gắng sức
  • Hiện tượng hấp thu Tl-201 ở phổi có giá trị chẩn đoán và tiên lượng

 

  1. Gắng sức được tạo ra như thế nào trong hình ảnh tưới máu cơ tim để đánh giá bệnh mạch vành?

Gắng sức có thể được tạo ra bằng nhiều cách. Mục tiêu của hình ảnh  tưới máu cơ tim là tạo ra sự giãn mạch để đánh giá mạch vành bị bệnh hoặc bị hẹp, mạch vành này sẽ ít giãn hơn so với mạch vành khỏe mạnh và không hẹp. Các hình thức gắng sức có thể bằng thể dục hoặc bằng thuốc (Bảng 8-2).

 Bảng 8-2: Các tác nhân gắng sức dùng trong hình ảnh tưới máu cơ tim: chỉ định, chống chỉ định, thuận lợi và bất lợi

 

Chỉ định

Chống chỉ định

Thuận lợi

Bất lợi

Thể dục

Chẩn đoán bệnh mạch vành , đánh giá nguy cơ ở những bệnh nhân có thể gắng sức nhưng có điện tim bất thường

Không thể gắng sức được, điện tim có block nhánh trái, có bệnh đi kèm như hẹp van động mạch chủ, suy tim

Đánh giá tình trạng chức năng, chẩn đoán và tiên lượng bệnh mạch vành

Không

Adenosine

Chẩn đoán bệnh mạch vành, đánh giá nguy cơ ở những bệnh nhân không thể gắng sức bằng thể dục được

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính co thắt phế quản hoặc hen suyễn, block tim , hạ huyết áp

Tạo nên sự giãn mạch tuyệt vời hơn nhiều so với gắng sức bằng thể dục

Không thể đánh giá tình trạng chức năng

Dipyridamol

Chẩn đoán bệnh mạch vành, đánh giá nguy cơ ở những bệnh nhân không thể gắng sức bằng thể dục được

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính co thắt phế quản hoặc hen suyễn, block tim , hạ huyết áp

Tạo nên sự giãn mạch tuyệt vời hơn nhiều so với gắng sức bằng thể dục

Không thể đánh giá tình trạng chức năng

Dobutamine

Chẩn đoán bệnh mạch vành, đánh giá nguy cơ ở những bệnh nhân không thể gắng sức bằng thể dục được

Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp không kiểm soát, hẹp van động mạch chủ

Thực hiện cho những bệnh nhân cần đánh giá tưới máu cơ tim bằng thuốc nhưng có bệnh co thắt phế quản

Không tạo ra sự giãn mạch tốt và không thể đánh giá tình trạng chức năng

*Gắng sức bằng thể dục bao gồm chạy thảm lăn , đạp xe đạp nằm hoặc đứng, động học cánh tay, hoặc co nắm tay đẳng trường. Nhìn chung , chạy thảm lăn được sử dụng nhiều nhất do giá trị chẩn đoán và tiên lượng của nó. Khả năng gắng sức có thể được quyết định. Ngoài ra,  có thể dùng thang điểm Duke score theo Bruce protocol để tiên lượng về các biến cố mạch vành. Gắng sức làm tăng nhu cầu tưới máu cơ tim và chuyển hóa.

* Các thuốc gây gắng sức bao gồm dobutamine, dipyridamol và adenosine.

+ Dobutamine là chất đồng vận b1 làm tăng nhịp tim và tăng co bóp cơ tim và vì vậy làm tăng gián tiếp tưới máu cơ tim, kết  quả là tăng nhu cầu chuyển hóa. Chất này được sử dụng trong hình ảnh phóng xạ hạt nhân tưới máu cơ tim gắng sức khi các chất giãn mạch bị chống chỉ định, như bệnh phổi co thắt phế quản hoặc nhịp chậm và block tim.

+  Cả dipyridamol và adenosine đều là thuốc giãn mạch. Chúng chỉ đơn thuần gây giãn mạch bởi tác động trên các thụ thể adenosine. Dipyridamol gây giãn mạch qua  tăng nồng độ adenosine nội sinh bằng cách ngăn chặn sự thoái giáng của nó, còn adenosine thì được đưa từ ngoài vào để tăng nồng độ. Chúng không ảnh hưởng nhu cầu chuyển hóa của cơ tim.

  1. Một bệnh nhân khi làm trắc nghiệm hình ảnh tưới máu cơ tim thì bị nhiễm xạ bao nhiêu? So với những trắc nghiệm tim mạch khác thì như thế nào?

Điều này tùy thuộc vào chất đánh dấu phóng xạ được dùng và quy trình thực hiện. Sự nhiễm xạ có thể khác nhau từ 10mSv lên đến 30mSv. Bảng 8-3 tổng hợp sự nhiễm xạ từ các xét nghiệm khác nhau.

Bảng 8-3: Mức độ nhiễm xạ từ các xét nghiệm khác nhau

 

Phim ngực thẳng

Bức xạ nền

Thông mạch vành

Chụp cắt lớp điện toán mạch máu

Chụp cắt lớp điện toán 64 lát cắt mạch vành

Chụp  cắt lớp điện toán toàn cơ thể

Tc-99m MIBI ( 10/27.5 mCi)

Tl-201 (3.5mCi)

Điểm vôi hóa ( Calicum scoring)

      0.02mSv

          3mSv

          5mSv

  10-14mSv

       17 mSv

   20-40 mSV

      14.6 mSv

       29  mSv

       2.6mSv

mCi,  milliCurrie; mSv , milliSievert

 

  1. Có thể đánh giá cả tưới máu cơ tim và chức năng thất trái  chỉ với một trắc nghiệm?

Có. Cả Tc-99m và Tl-201 đều có giá trị trong đánh giá thể tích thất trái và chức năng tâm thu thất trái bằng cách sử dụng hình ảnh chụp cắt lớp vi tính bức xạ pho-ton đơn. (SPECT,  single-photon emission computed tomography). Vì vậy, có thể ghi được hình ảnh tưới máu cơ tim lúc nghỉ và lúc gắng sức bằng kỹ thuật SPECT . Đây là phương pháp dừng vận động tim để cho phép đánh giá các giai đoạn khác nhau của chu chuyển tim. Phương pháp này kích hoạt hình ảnh lúc bắt đầu sóng R qua nhiều chu chuyển tim để tạo nên trung bình 8-16 hình ảnh các lát cắt tim, cần thiết cho sự đánh giá chính xác vận động và độ dầy thành tim. Các trắc nghiệm kiểu gated này cải thiện độ chuyên biệt bằng cách giúp phân biệt tưới máu bất hồi phục do cơ tim giảm thu nhận so với sẹo.

  1. Những kĩ thuật tim mạch học hạt nhân nào được dùng để đánh giá chức năng tim?

 Thuật ngữ chụp mạch máu phóng xạ hạt nhân bao gồm kỹ thuật tiêm thuốc kỳ đầu và ghi hình ảnh trộn máu cân bằng, đều dùng để đánh giá chức năng thất trái.

   + Chụp mạch máu phóng xạ hạt nhân kỳ đầu sử dụng kỹ thuật bơm liều nạp (bolus technique) để đưa chất đánh dấu đến nhĩ phải, thất phải, động mạch phổi, phổi, nhĩ trái, thất trái, và cuối cùng là động mạch chủ. Kỹ thuật kỳ đầu có thể dùng để đánh giá cả chức năng tâm thu thất trái và thất phải, vận động vùng, và các luồng thông tim phổi. Chụp mạch máu phóng xạ hạt nhân kỳ đầu có thể được thực hiện cả lúc nghỉ và lúc gắng sức.

+  Ghi hình ảnh máu trộn cân bằng hoặc ghi lại nhiều hình ảnh cũng có thể được sử dụng để đánh giá chức năng và phân suất tống máu thất trái. Thất phải thì không dễ đánh giá bằng kỹ thuật này do sự trùng lắp hình ảnh của các cấu trúc tim nhưng có thể thực hiện được nếu cẩn thận khi ghi hình. Kỹ thuật này được thực hiện sau khi một mẫu hồng cầu của bệnh nhân được đánh dấu với muối Na[99mTcO4]  và được tiêm trở lại để ghi hình ảnh phẳng trong ba mặt cắt khác nhau. Kỹ thuật này được thực hiện tương tự như kỹ thuật SPECT; tuy nhiên, thay vì một số lượng hình ảnh chuẩn mỗi chu chuyển tim, thì có thể có một số lượng hình ảnh khác nhau phụ thuộc vào độ dài R-R hoặc nhịp tim. Các hình ảnh tim sau đó được đưa vào hình ảnh tổng hợp. Các hình ảnh sau đó được hiển thị như một chuỗi phim liên tục. Từ chuỗi phim liên tục , có thể đánh giá vận động vùng ở nhiều mặt cắt khác nhau, bao gồm mặt cắt chếch trước trái , bên và trước. Những dữ liệu từ mặt cắt chếch trước trái cũng được hiển thị như vẫn còn những hình ảnh để các số  trong vùng khảo sát (thất trái) ở cuối tâm thu và cuối tâm trương có thể dùng để tính thể tích cuối tâm thu và cuối tâm trương và sau đó là phân suất tống máu

LEEF: phân suất tống máu thất trái, EDV : thể tích thất trái cuối tâm trương, ESV : thể tích thất trái cuối tâm thu

  1. .Tại sao nên dùng chụp mạch máu phóng xạ hạt nhân để đánh giá phân suất tống máu thất trái?
  • Đây là phương pháp có giá trị và chính xác đo phân suất tống máu có thể lặp lại hơn siêu âm tim, đặc biệt là khi dùng hàng loạt các xét nghiệm để khảo sát sự thay đổi của phân suất tống máu thất trái do chất làm độc tim, bệnh van tim, và các thuốc điều trị mới trong các thử nghiệm lâm sàng.
  • Rẻ tiền và khả thi hơn so với chụp cộng hưởng từ trong đánh giá phân suất tống máu thất trái.
  • Ở mức độ thực hành , chụp mạch máu phóng xạ hạt nhân có thể được sử dụng để đánh giá phân suất tống máu thất trái khi những phương pháp khác không thể thực hiện được vì hình ảnh kém chất lượng do thể trạng người bệnh, bệnh phổi , hoặc biến dạng thành ngực.
  • Phân suất tống máu thất trái là một chất chỉ điểm độc lập các biến cố tim mạch và vì vậy thể hiện như một chỉ số tiên lượng có giá trị trong các ứng dụng lâm sàng.
  1. Vai trò của chụp cắt lớp bức xạ pho-ton (PET, positron emission tomography) trong đánh giá tim nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng là gì?

PET có nhiều khả năng, bao gồm đánh giá tưới máu cơ tim, sử dụng đường,  chuyển hóa axit béo, chuyển hóa oxy hóa, tiêu thụ oxy, và hoạt động hệ thần kinh tự chủ và nồng độ thụ thể ß.

Các chất dùng đánh giá tưới máu cơ tim bao gồm water O-15, Rb-82, và ammonia N-13. Các chất dùng đánh giá chuyển hóa bao gồm F-18-fluoro-2-deoxyglucose (F-18FDG), carbon-11- được đánh dấu palmitate và acetate, và phân tử oxy-15.

Ứng dụng hữu ích nhất của PET trong đánh giá bệnh mạch vành là xác định mô còn sống. Vấn đề sống còn của cơ tim tăng cao khi một vùng cơ tim biểu hiện như sẹo nên  nó có giảm tưới máu và co bóp cả lúc nghỉ và lúc gắng sức. Phối hợp PET với ammonia N-13 hoặc tưới máu rubidium và F-18 FDG  cho chuyển hóa đường  được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá sống còn cơ tim. Sự sống còn cơ tim được xác định dựa vào sự bảo tồn hoặc tưới máu cơ tim căn bản hoặc sự tăng sử dụng chất nền. Đầu tiên là xác định vùng cơ tim giảm co bóp. Sau đó là đánh giá tưới máu cơ tim vùng đó, xác định hoạt động chuyển hóa của vùng cơ tim. Tầm quan trọng của đánh giá vùng cơ tim còn sống được chứng minh bằng kết quả sau khi can thiệp tái lưu thông mạch máu ở các vùng cơ tim còn sống và không còn sống.

Bảng 8-4 tóm tắt các giải thích của PET trong đánh giá sống còn cơ tim

Bảng 8-4: Giải thích sống còn cơ tim bằng hình ảnh PET

Vận động vùng

Tưới máu

Hấp thu FDG

Chẩn đoán

Bình thường

Bình thường

Bình thường

Cơ tim bình thường

 

Giảm

Bình thường

Bình thường

Cơ tim choáng váng (tưới máu bảo tồn; chức năng có thể hồi phục theo thời gian)

 

Giảm

Bất thường

Bình thường

Cơ tim ngủ đông (giảm tưới máu , chức năng có thể cải thiện với tái lưu thông mạch máu)

 

Giảm

Bất thường

Giảm

Sẹo hoặc nhồi máu cơ tim không hồi phục

 

Tài liệu tham khảo, tài liệu nên đọc và websites:

  1. Baghdasarian SB, Heller GV: The role of myocardial perfusion imaging in the diagnosis of patients with coronary artery disease: developments over the past year, Curr Opin Cardiol 20:369-374, 2005.
  2. Berman DS, Shaw LJ, Hachamovitch, R, et al: Comparative use of radionuclide stress testing, coronary artery calcium scanning, and noninvasive coronary angiography for diagnostic and prognostic cardiac assessment, Semin Nucl Med 37:2-16, 2007.
  3. Bourque JM, Velasquez EJ, Tuttle RJ, et al: Mortality risk associated with ejection fraction differs across resting nuclear perfusion findings, J Nucl Cardiol 14:165-173, 2007.
  4. Brindis RG, Douglas PS, Hendel RC, et al: ACCF/ASNC appropriateness criteria for single-photon emission computed tomography myocardial perfusion imaging (SPECT MPI), J Am Cardiol 51:1127-1147, 2005.
  5. Hachamovitch R, Berman DS: The use of nuclear cardiology in clinical decision making, Semin Nucl Med 35: 62-72, 2005.
  6. Hachamovitch R, Hayes SW, Friedman JD, et al: Comparison of the short-term survival benefit associated with revascularization compared with medical therapy in patients with no prior coronary artery disease undergoing stress myocardial perfusion single photon emission computed tomography, Circulation 107:2900-2906, 2003.
  7. Iskanderian AE, Verani MS. Nuclear cardiac imaging principles and applications, ed 3, New York, 2003, Oxford University Press.
  8. Klocke FJ, Baird MG, Bateman TM, et al: ACC/AHA/ASNC guidelines for the clinical use of cardiac radionuclide imaging, J Am Cardiol 42:1318-1333, 2003.
  9. Metz LD, Beattie M, Hom R, et al: The prognostic value of normal exercise myocardial perfusion imaging and exercise echocardiography, J Am Coll Cardiol 49:227-237, 2007.
  10. Miller TD, Redberg RF, Wackers FJT: Screening asymptomatic diabetic patients for coronary artery disease, why not? J Am Coll Cardiol 48:761-764, 2006.
  11. Shaw LJ, Berman DS, Maron DJ, et al: Optimal medical therapy with or without percutaneous coronary intervention to reduce ischemic burden: results from the Clinical Outcomes Utilizing Revascularization and Aggressive Drug Evaluation (COURAGE) trial nuclear substudy, Circulation 117:1283-1291, 2008.
  12. Travin MI, Bergman SR: Assessment of myocardial viability, Semin Nucl Med 35:2-16, 2005.

Để lại bình luận