Thomas J. Kiernan, MD, MRCPI, Bryan P. Yan, MBBS, FRACP,

Glenn N. Levine, MD, FACC, FAHA, and Kenneth A. Rosenfield, MD

Người dịch: BS Lương Minh Thông

  1. Sự khác nhau giữa thuật ngữ bệnh động mạch ngoại biên và bệnh mạch máu ngoại biên?

Theo American College of Cardiology / American Heart Association (ACC / AHA) 2005, bệnh động mạch ngoại biên bao gồm một nhóm rối loạn khác nhau dẫn đến hẹp hay tắc nghẽn hay phình giãn động mạch chủ và các nhánh động mạch không gồm động mạch vành, bao gồm cả động mạch cảnh, động mạch chi trên, động mạch nội tạng, và động mạch chi dưới. Bệnh mạch máu ngoại biên là một thuật ngữ bao gồm những bệnh có ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn,  gồm tất cả các động mạch, tĩnh mạch, và hệ thống bạch huyết và tất cả các mạch máu làm thay đổi tưới máu cơ quan đích. Vì vậy, bệnh động mạch ngoại biên (PAD)  là thuật ngữ để chỉ sự hẹp, tắc và phình giãn của động mạch chủ, các nhánh động mạch và sẽ được sử dụng trong chương này

  1. Các bước chính trong việc khám mạch máu là gì?
    Theo hướng dẫn của ACC / AHA về bệnh động mạch ngoại biên, các bước chính trong việc khám mạch máu bao gồm:
  • Đo huyết áp ở cả hai cánh tay
  • Xem độ nảy động mạch cảnh, biên độ và nghe động mạch cảnh.
  • Nghe vùng bụng và cạnh sườn.
  • Sờ bụng đánh giá mạch động mạch chủ và đường kính lớn nhất của nó.
  • Sờ mạch động mạch cánh tay, động mạch quay, động mạch trụ, động mạch đùi, động mạch khoeo, động mạch mu chân và động mạch chày sau. Độ mạnh được đánh giá như sau : 0 = không bắt được, 1 = giảm, 2 = bình thường, 3 = nảy mạnh.
  • Trắc nghiệm Allen khi cần đánh giá tưới máu tay.
  • Nghe động mạch đùi.
  • Kiểm tra màu bàn chân, nhiệt độ, vết loét da.
  • Quan sát các dấu hiệu gợi ý bệnh động mạch ngoại biên nặng bao gồm: mất lông ở chi, thay đổi dinh dưỡng da, phì đại móng.
  1. Vị trí đau cách hồi có thể giúp xác định chỗ tắc nghẽn?
    Câu trả lời là dè dặt. Bởi vì sinh lý bệnh của đau cách hồi là phức tạp, không có tương quan chặt chẽ giữa vùng giải phẫu và vị trí của các triệu chứng. Tuy nhiên, nhìn chung các chỉ điểm sau đây có thể áp dụng:
  • Tắc động mạch chậu thể gây đau hông, mông, đùi cũng như đau bắp chuối cẳng chân
  • Tắc động mạch đùi và động mạch khoeo thường gây đau bắp chuối cẳng chân
  • Tắc động mạch chày có thể gây đau bắp chuối cẳng chân, hiếm hơn là gây đau và tê bàn chân.
  1. Các nguyên nhân gây giả đau cách hồi?

Triệu chứng đau cách hồi do bệnh động mạch ngoại biên có thể giống triệu chứng của các bệnh khác như: tắc nghẽn tĩnh mạch ngoại vi nặng, hội chứng khoang mãn tính, bệnh cột sống thắt lưng và hẹp cột sống, thoái khớp và bệnh viêm cơ. Khác với xơ vữa động mạch sự tổn thương mạch máu trong các bệnh trên có thể dẫn đến các triệu chứng giống như đau cách hồi. (Xem câu hỏi 18 bệnh động mạch chi dưới ở bệnh nhân trẻ.)

  1. Các khảo sát không xâm nhập được sử dụng trong đánh giá đau cách hồi chi dưới?
  • Chỉ số cổ chân – cánh tay (ABI): Chỉ số cổ chân – cánh tay là tỷ số giữa áp lực tâm thu động mạch cổ chân (xác định bằng Doppler) chia cho áp lực tâm thu động mạch cánh tay. Được xem là bất thường khi < 0,90. Độ nhạy khoảng 90% đối với chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên. (Xem chi tiết thêm ở câu hỏi 6)
  • Ghi thể tích mạch (pulse volume recordings, PVRs): Ghi lại thay đổi trong thể tích ở ngón chân, ngón tay hay một phần của chi khi mỗi nhịp mạch máu được đưa vào hay ra chi. Chỉ số ngón chân / cẳng tay bất thường khi nhỏ hơn 0.6 và khi bệnh nhân đau trong lúc nghỉ: chỉ số này thường nhỏ hơn 0.15 ( áp lực máu ngón chân nhỏ hơn 20 mmHg).
  • Siêu âm mạch máu: giúp đánh giá hẹp động mạch và dòng máu chảy, vị trí và mức độ hẹp. Phụ thuộc nhiều vào kỹ năng khảo sát.
  • Đo áp lực oxy qua da: hữu ích trong đánh giá khả năng tồn tại của mô cho việc lành vết thương. Bình thường lớn hơn 55 mmHg, khi nhỏ hơn 20 mmHg thường khó lành vết loét.
  • Trắc nghiệm gắng sức: giúp xác định thời gian đi bộ trên thảm lăn, ABI trước và sau nghiệm pháp. Trường hợp bệnh động mạch ngoại biên không ý nghĩa, ABI không thay đổi sau nghiệm pháp. Trường hợp có bệnh động mạch ngoại biên, ABI giảm sau nghiệm pháp. Nghiệm pháp này nhạy cảm để phát hiện bệnh hơn là đo ABI lúc nghỉ.
  1. Chỉ số cổ chân – cánh tay ( ABI ) là gì?

ABI là tỷ lệ giữa huyết áp tâm thu đo ở cổ chân so với huyết áp tâm thu đo ở cánh tay. Đặc hiệu hơn, huyết áp được đo ở cả 2 cách tay ( Huyết áp cao hơn sẽ được dùng ), dùng dụng cụ Doppler với băng quấn huyết áp ở phần thấp cẳng chân, đo cả động mạch chày sau và động mạch mu bàn chân. Ở người khỏe mạnh huyết áp cổ chân cao hơn (cao hơn 10-15mmHg so với huyết áp cánh tay ), vì vậy bình thường chỉ số ABI phải  lớn hơn 1.00. Mức dùng để chẩn đoán từ 0.90 đến 0.91, một vài nghiên cứu cho thấy ABI có độ nhậy cảm 79% đến 95%, độ đặc hiệu 96% đến 100% cho việc phát hiện hẹp 50% trở lên đường kính lòng mạch.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng ABI là một biến liên tục dưới 0,90. Giá trị từ 0.41- 0.90  được coi là giảm nhẹ đến vừa phải; giá trị 0.40 hoặc ít hơn được coi là giảm nghiêm trọng. ABI 0.40 hay thấp hơn thường kết hợp với tăng nguy cơ đau lúc nghỉ, loét thiếu máu hay hoại thư. Không nên đánh giá ABI ở bệnh nhân tiểu đường lâu ngày hoặc suy thận giai đoạn cuối đang lọc thận và bệnh nhân lớn tuổi vì có thể bệnh nhân có những động mạch chân không đè ép được do vôi hóa lớp trung mạc. Sự diễn giải chỉ số ABI được trình bày trong bảng 59-1

Bảng 59-1.        Giải thích  chỉ số ABI

ABI

Giải thích

> 1.30

Không đè ép được

1.00 – 1.29

Bình thường

0.91 – 0.99

Giới hạn

0.41 – 0.90

Bệnh mạch máu ngoại biên nhẹ – trung bình

0.00 – 0.40

Bệnh mạch máu ngoại biên nặng

Modified from Hiatt WR: Medical treatment of peripheral arterial disease and claudication, N Engl J Med 344:1608-1621, 2001.

 

  1. Các khuyến cáo điều trị nội khoa và thay đổi lối sống ở bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên chi dưới?

Khuyến cáo tập thể dục là phương thức điều trị khởi đầu cho bệnh nhân đau cách hồi. Tập thể dục có hướng dẫn được khuyến cáo hơn tập thể dục không hướng dẫn. Điều trị Cilostazol có thể làm tăng khiêm tốn khả năng gắng sức. Thuốc này không nên dùng cho bệnh nhân suy tim vì hiệu ứng sinh học cho thấy tăng tử vong ở bệnh nhân suy tim. Bỏ thuốc lá phải được nhấn mạnh đối với bệnh nhân. Các phương pháp khác bao gồm can thiệp phòng ngừa thứ phát. Khuyến cáo điều trị nội khoa và thay đổi lối sống ở bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên chi dưới được tóm tắt trong bảng 59-2.

Bảng 59-2. Khuyến cáo điều trị nội khoa và thay đổi lối sống ở bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên chi dưới

  • Điều trị với statin nhằm giảm LDL < 70-100 g/dL
  • Hạ huyết áp < 140/90 mmHg (< 130/80 mmHg đối với bệnh nhân tiểu đường hay bệnh thận mạn)

§  Ức chế beta không chống chỉ định ở bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên

§  Dùng ức chế men chuyển để giảm nguy cơ tim mạch cho bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên chi dưới

  • Khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá
  • Chống kết tập tiểu cầu có chỉ định làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay tử vong do mạch máu

§  Liều Aspirin khuyến cáo 75-325mg.

§  Clopidogrel có thể dùng thay thế Aspirin.

  • Khuyến cáo tập thể dục là phương thức điều trị khởi đầu cho bệnh nhân đau cách hồi

§  Tập ít nhất 30 – 45 phút, tối thiểu 3 lần / tuần.

  • Cilostazol ( 100mg 2 lần / ngày) được khuyến cáo cải thiện triệu chứng và tăng khoảng đường đi bộ ở bệnh nhân đau cách hồi (Cilostazol không nên dùng cho bệnh nhân suy tim)

Modified from Hirsch AT, Haskal ZJ, Hertzer NR, et al: ACC/AHA guidelines for the management of patients with peripheral arterial disease, J Am Coll Cardiol 47(6):1239-1312, 2006.

 

  1. Thiếu máu cục bộ chi là gì, và làm thế nào để xếp loại lâm sàng?

Bởi vì đau  cách hồi là do giảm tưới máu cơ lúc gắng sức. Thiếu máu cục bộ chi nặng dẫn đến tưới máu mô không đủ lúc nghỉ. Đặc trưng biểu hiện bởi đau lúc nghỉ hay mất mô. Một phân loại thiếu máu cục bộ chi phổ biến được trình bày trong bảng 59-3.

Bảng 59-3.      PHÂN LOẠI LÂM SÀNG THIẾU MÁU CHI MÃN TÍNH

Độ

Phân loại

Mô tả lâm sàng

 

0

Không triệu chứng, không cần điều chỉnh huyết động

I

1

Đi cách hồi nhẹ

 

2

Đi cách hồi vừa

 

3

Đi cách hồi nặng

II

4

Đau lúc nghỉ do thiếu máu cục bộ

 

5

Mất mô tối thiểu: loét không lành, hoại tử với loét chân lan tỏa

III

6

Mất mô nhiều trên mức xương đốt bàn chân, mất chức năng bàn chân.

(From Rutherford RB, Baker JD, Ernst C, et al: Recommended standards for reports dealing with lower extremity ischemia: revised version, J Vasc Surg 26:517, 1997.)

 

  1. Các nguyên nhân gây hẹp động mạch thận?
    Khoảng 90% tổn thương động mạch thận là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch thường liên quan đến hẹp lỗ và 1 cm đầu đoạn gần động mạch thận chính. Loạn sản cơ là nguyên nhân phổ biến kế tiếp. Mặc dù kinh điển thường xảy ra ở người phụ nữ trẻ, tuy nhiên nó thể ảnh hưởng đến cả hai giới ở mọi lứa tuổi. Những nguyên nhân ít gặp hơn gây tăng huyết áp do bệnh mạch thận bao gồm phình động mạch thận, viêm động mạch Takayasu, thuyên tắc mảng xơ vữa (atheroemboli), huyết khối thuyên tắc, hội chứng William, u xơ thần kinh, bóc tách động mạch thận tự phát, bất thường hay dò động tĩnh mạch, xơ hóa sau màng bụng, tiền căn xạ trị ổ bụng.
  2. Chỉ định Class I theo ACC/AHA về thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định hẹp động mạch thận?

Những biểu hiện lâm sàng được xem là chỉ định Class I để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định hẹp động mạch thận gồm:

  • Tăng huyết áp khởi phát ở người dưới 30 tuổi
  • Tăng huyết áp khởi phát ở người trên 55 tuổi
  • Tăng huyết áp diễn tiến (tăng huyết áp đột ngột khó kiểm soát với điều trị trước đây), tăng huyết áp kháng trị (không đạt được mục tiêu huyết áp với điều trị đủ liều 3 thuốc thích hợp trong đó có lợi tiểu), và tăng huyết áp ác tính (tăng huyết áp có tổn thương cơ quan đích).
  • Tăng azot máu mới xuất hiện hay chức năng thận xấu đi sau khi điều trị với thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin.
  • Teo thận hay kích thước 2 thận chênh lệch trên 1.5 cm không giải thích được
  • Phù phổi đột ngột, không giải thích được (đặc biệt ở những bệnh nhân tăng azot máu)
  1. Những xét nghiệm có thể được sử dụng để chẩn đoán hẹp động mạch thận?

Siêu âm duplex, chụp mạch máu cắt lớp (nếu không có nguy cơ cao của bệnh thận do chất cản quang), và ảnh cộng hưởng từ mạch máu (MRA) là những xét nghiệm không xâm nhập được chấp nhận (chỉ định Class I). Chụp mạch máu nên được thực hiện khi lâm sàng nghĩ nhiều đến hẹp động mạch thận và những xét nghiệm không xâm nhập không thể kết luận được (chỉ định Class I). Xạ ký thận có kèm captopril và đo nồng độ rennin trong máu tĩnh mạch thận chọn lọc không phải là những xét nghiệm tầm soát hữu ích (chỉ định Class III)

  1. Những chỉ định chính cho can thiệp nong động mạch thận qua da?

Hầu hết những chỉ định của ACC/AHA về can thiệp nong động mạch thận qua da là chỉ định Class IIa, có nghĩa là thủ thuật này là hợp lý.

Chỉ định Class I:

  • Hẹp động mạch thận gây rối loạn huyết động nặng bao gồm suy tim sung huyết tái phát, không giải thích được; hoặc phù phổi đột ngột không giải thích được.

Chỉ định Class IIa:

  • Hẹp động mạch thận gây rối loạn huyết động nặng bao gồm tăng huyết áp gia tăng, tăng huyết áp kháng trị, tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp với thận teo nhỏ 1 bên không giải thích được, và tăng huyết áp không đáp ứng với điều trị.
  • Hẹp động mạch thận gây rối loạn huyết động nặng và đau thắt ngực không ổn định.
  • Hẹp động mạch thận và bệnh thận mạn tiến triển bao gồm hẹp động mạch thận 2 bên hoặc hẹp động mạch thận 1 bên trên thận độc nhất hoạt động.

Can thiệp nong động mạch thận qua da thường là lựa chọn điều trị cho những tổn thương ở động mạch thận chính và đoạn gần. Trong khi đó, phẩu thuật thường được chỉ định cho những tổn thương ở nhiều nhánh động mạch thận hay khi phẩu thuật động mạch chủ cũng được chỉ định.

  1. Ở bệnh nhân hẹp động mạch thận, những yếu tố nào tiên lượng đáp ứng với can thiệp nong động mạch thận qua da?

Khó dự đoán được đặt stent động mạch thận có lợi ở những bệnh nhân nào. Nhiều đặc điểm lâm sàng liên quan với kết quả kém hoặc nguy cơ biến chứng cao của đặt stent động mạch thận bao gồm kích thước thận cơ bản nhỏ ( < 8 cm), suy giảm chức năng thận cơ bản (creatinine huyết thanh > 3-4 mg/dl), những bệnh nội khoa đi kèm (như đái tháo đường, amyloidosis), tăng huyết áp kéo dài, chỉ số đề kháng thận cao trên siêu âm Duplex, và xơ vữa động mạch chủ lan tỏa.

Một vài nghiên cứu cho rằng can thiệp nong động mạch thận qua da trên hẹp động mạch thận 2 bên có thể giảm huyết áp và ổn định chức năng thận tốt hơn, nhưng nguy cơ biến chứng nặng cũng có thể cao hơn. Một báo cáo gần đây cho rằng bệnh nhân có lượng BNP (brain natriuretic peptide) cơ bản cao đáp ứng giảm huyết áp tốt hơn với nong động mạch thận qua da.

Trong bệnh thận do thiếu máu, yếu tố tiên lượng quan trọng nhất cho đáp ứng với nong động mạch thận qua da là mức độ suy giảm chức năng thận trước can thiệp dựa vào đo lường nồng độ creatinin huyết thanh. Với can thiệp đặt stent động mạch thận, những bệnh nhân suy giảm chức năng thận nhanh có sự phục hồi tốt hơn so với những người mà tổn thương thận mạn tính trước đó.

  1. Tỉ lệ dãn trung bình của phình động mạch chủ?

Tuy tỉ lệ dãn của phình động mạch chủ có thể thay đổi nhiều ở bệnh nhân này so với bệnh nhân khác, nhưng nói chung, động mạch chủ phình càng lớn thì tỉ lệ dãn trung bình mỗi năm của phình càng cao. Với phình động mạch chủ đường kính nhỏ hơn 4 cm tại lúc phát hiện bệnh, tỉ lệ dãn trung bình là 1-4mm/ năm. Với phình động mạch chủ đường kính 4-6 cm thì tỉ lệ dãn trung bình là 4-5mm/ năm. Và với phình động mạch chủ đường kính trên 6 cm, tỉ lệ dãn trung bình có thể đến 7-8mm/ năm.

  1. Khi nào cần phẫu thuật những bệnh nhân với phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận và cạnh thận?

Những khuyến cáo hiện tại thực hiện phẫu thuật ở những bệnh nhân phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận và cạnh thận là khi đường kính chỗ phình >= 5.5 cm (chỉ định Class IIa: có thể có lợi khi phẫu thuật phình động mạch chủ bụng với đường kính 5 – 5.4 cm).

Bệnh nhân phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận và cạnh thận đường kính 4 – 5.4 cm nên được theo dõi bằng siêu âm hay CT scan mỗi 6 – 12 tháng.

Bệnh nhân phình động chủ bụng đoạn dưới thận và cạnh thận đường kính < 4 cm nên được siêu âm mỗi 2 -3 năm.

  1. Sự quan trọng của phát hiện âm thổi động mạch cảnh?

Khoảng 35% bệnh nhân có âm thổi động mạch cảnh hẹp trên 50% động mạch. Những bệnh nhân này nên được siêu âm Duplex. Tuy nhiên, thính chẩn không phải là test tầm soát tốt cho bệnh động mạch cảnh, vì chỉ 50% bệnh nhân hẹp động mạch cảnh nặng có thể nghe được âm thổi khi khám thực thể.

  1. Những chỉ định chính cho phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh?

Trường hợp chung, chỉ định chính cho phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh như sau:

  • Hẹp 50 – 99% động mạch cảnh có triệu chứng và nguy cơ đột quỵ hay tử vong do phẫu thuật < 6%
  • Hẹp 60 – 80% động mạch cảnh không triệu chứng và tỉ lệ đột quỵ do phẫu thuật < 3%

Những chỉ định này thật sự thay đổi nhiều hơn và người đọc cần tham khảo những khuyến cáo AHA/ASA về ngăn ngừa đột quỵ ở bệnh nhân nhồi máu não hay cơn thiếu máu não thoáng qua. Những chỉ định chính của đặt stent động mạch cảnh đang được phát triển. Vấn đề này được ghi nhận trong tài liệu đồng thuận của các chuyên gia về đặt stent động mạch cảnh. (xem tài liệu tham khảo)

  1. Những nguyên nhân của bệnh động mạch chi dưới ở bệnh nhân trẻ?

Xơ vữa động mạch thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên, nó cũng biểu hiện ở người trẻ có hội chứng tăng lipid máu gia đình, bệnh Buerger (viêm mạch tạo huyết khối tắc nghẽn) hoặc rối loạn tăng đông. Hội chứng bẫy động mạch khoeo là một bất thường giải phẫu trong đó động mạch khoeo bị đè ép bởi một nhóm cơ bất thường, hoặc có lộ trình bất thường dưới đầu gối, bị đè ép bởi cơ bắp chân bình thường. Bệnh u nang lớp áo ngoài động mạch khoeo cũng là chẩn đoán phân biệt của triệu chứng đi cách hồi ở người trẻ, bệnh này gây hẹp động mạch khoeo, tạo thành dấu lưỡi kiếm trên hình ảnh chụp mạch máu. Hội chứng khoang (compartment) do gắng sức có thể dẫn đến những triệu chứng đau chân tương tự khi gắng sức và giảm khi nghỉ.

  1. Loạn sản sợi cơ là gì?

Loạn sản sợi cơ, trước đây còn gọi là tăng sinh sợi sợi cơ (fibromuscular fibroplasia), là một nhóm bệnh mạch máu không do viêm và xơ vữa, có thể ảnh hưởng hầu hết đến các động mạch nhưng thường nhất là động mạch thận. Phân loại mô học chia làm 3 nhóm: nội mạc, trung mạc và quanh trung mạc, cả 3 nhóm có thể có trên một bệnh nhân. Phân loại theo hình ảnh mạch máu gồm:

  • Loại đa ổ: hẹp ở nhiều chỗ, tạo thành hình ảnh chuỗi tràng hạt, là loại cổ điển của tăng sản sợi của lớp trung mạc.
  • Loại đơn ổ: tăng sản sợi của lớp nội mạc.
  1. Bệnh Buerger là gì?

Bệnh Buerger, thường gọi là viêm mạch máu tạo huyết khối tắc nghẽn, là bệnh của động mạch nhỏ và trung bình, tĩnh mạch và thần kinh. Bệnh Buerger là bệnh không do xơ vữa mà do quá trình viêm và huyết khối. Về lâm sàng, bệnh thường biểu hiện nhất là thiếu máu đầu ngón tay, ngón chân, cánh tay, bàn tay, bàn chân, hoặc đau cách hồi vùng bắp chân. Loét do thiếu máu cũng có thể xảy ra. Bệnh thường xảy ra ở người hút thuốc lá và cách điều trị duy nhất là ngưng hút thuốc.

  1. Viêm động mạch Takayasu là gì?

Viêm động mạch Takayasu là bệnh chưa rõ nguyên nhân, thường ảnh hưởng trên động mạch chủ và những nhánh chính của động mạch chủ. Bệnh phổ biến ở Châu Á và thường gặp ở nữ. Theo thời gian, bệnh gây hẹp và tắc nghẽn động mạch chủ và những nhánh chính, như là động mạch dưới đòn. Về lâm sàng, bệnh nhân thường biểu hiện đau cách hồi chi trên nhưng cũng có thể có triệu chứng thần kinh do thiếu máu động mạch cột sống thân nền.

  1. Hội chứng May-Thurner là gì?

Hội chứng May-Thurner hay chèn ép tĩnh mạch chủ chậu, đã được mô tả là sự phát triển của những gờ trong tĩnh mạch chậu bên trái do sự chèn ép từ động mạch chậu chung phải đối bên chống lại cột sống thắt lưng. Sinh lý bệnh của hội chứng May-Thurner không được biết rõ, nhưng có giả thuyết cho rằng hội chứng là sự kết hợp giữa sự chèn ép cơ học và nhịp đập của động mạch chậu chung phải, dẫn đến phì đại lớp áo trong của tĩnh mạch chậu chung trái. Từ đó làm thay đổi nội mạc và tạo huyết khối. Bệnh nhân bị hội chứng May-Thurner thường là phụ nữ trẻ từ 20 – 40 tuổi và thường sau khi có thai hay bất động trong thời gian dài. Bệnh nhân có thể biểu hiện sưng đau đùi và bắp chân không giải thích được trong vài ngày hay kéo dài hơn. Siêu âm Duplex điển hình có thể thấy huyết khối tĩnh mạch chậu chung trái. Điều trị bệnh nhân hội chứng May-Thurner có triệu chứng liên quan với huyết khối tĩnh mạch sâu gồm thuốc tiêu sợi huyết tiêm tĩnh mạch, thuốc kháng đông và đặt stent tĩnh mạch chủ chậu.

Tài liệu tham khảo, tài liệu nên đọc và websites:

  1. Inter-Society Consensus (TASC) II Guidelines: http://www.tasc-2-pad.org
  2. Mohler ER: Clinical Features, Diagnosis, and Natural History of Lower Extremity Peripheral Arterial Disease: http://www.utdol.com
  3. Bates ER, Babb JD, Casey DE, et al: ACCF/SCAI/SVMB/SIR/ASITN 2007 clinical expert consensus document on carotid stenting: a report of the American College of Cardiology Foundation Task Force on Clinical Expert Consensus Documents, J Am Coll Cardiol 49:126-70, 2007.
  4. Hiatt WR: Medical treatment of peripheral arterial disease and claudication. N Engl J Med 344(21):1608-1621.
  5. Hirsch AT, Haskal ZJ, Hertzer NR, et al: ACC/AHA guidelines for the management of patients with peripheral arterial disease, J Am Coll Cardiol 47(6):1239-312, 2006.
  6. Norgren L, Hiatt WR, Dormandy JA, et al: Inter-Society Consensus for the Management of Peripheral Arterial
  7. Disease (TASC II), Eur J Vasc Endovasc Surg 33(Suppl 1):S1-75, 2007.
  8. Sacco RL, Adams R, Albers G, et al: AHA/ASA guidelines for prevention of stroke in patients with ischemic stroke or transient ischemic attack, Stroke 37:577-617, 2006.
  9. White CJ, Jaff MR, Haskal ZJ, et al: Indications for renal arteriography at the time of coronary arteriography: a science advisory from the American Heart Association Committee on Diagnostic and Interventional Cardiac Catheterization, Council on Clinical Cardiology, and the Councils on Cardiovascular Radiology and Intervention and on Kidney in Cardiovascular Disease, Circulation 114(17):1892-1895, 2006.

Để lại bình luận